Laptop được cấu thành từ rất nhiều linh kiện khác nhau. Các linh kiện này được kết nối với nhau bởi mainboard để tạo thành một hệ thống máy tính hoàn chỉnh. Các linh kiện của Laptop nằm ở cả mặt trên và mặt dưới của mainboard.
1. CPU trên Laptop
CPU trên Laptop có thể được gắn vào socket, socket được thiết kế nhỏ gọn trên mainboard Laptop.
Nhiều Laptop hiện nay sử dụng CPU dán để tối ưu diện tích của mainboard.
2. RAM trên Laptop
Module khe cắm RAM trên Laptop là SoDIMM với kích thước nhỏ gọn.
Nhiều Laptop hiện nay sử dụng RAM onboard được tích hợp sẵn trên mainboard, không thể thay thế. Các Laptop này thường có thêm 1 khe cắm RAM SoDIMM để người dùng gắn thêm RAM nếu cần thiết.
3. Chipset Bắc trên Laptop
Còn gọi là Memory Controller Hub (MCH). MCH đảm nhiệm việc liên lạc giữa CPU, RAM, Chipset Nam, đôi khi cả Chipset Video. Chipset Bắc thường nằm gần CPU.
Hiện nay, chipset Bắc thường được tích hợp vào CPU.
4. Chipset Nam trên Laptop
Còn gọi là I/O Controller Hub (ICH). Đảm nhiệm liên lạc với các thiết bị có tốc độ truy xuất chậm để gửi dữ liệu đến chipset Bắc, CPU. Chipset Nam thường nằm xa CPU hơn chipset Bắc.
Hiện nay, chipset Nam thường được tích hợp vào CPU.
5. GPU trên Laptop
GPU là viết tắt của Graphics Processing Unit. Thường được tích hợp trên mainboard Laptop. Dùng để xử lý các dữ liệu ma trận hình ảnh có dung lượng lớn.
6. Thiết bị lưu trữ trên Laptop
Laptop có 2 loại ổ lưu trữ là HDD (Hard Disk Drive) và SSD (Solid State Drive).
7. IC xử lý tín hiệu mạng trên Laptop
Mainboard Laptop có cả IC xử lý tín hiệu mạng từ cổng RJ45 cũng như card wifi xử lý tín hiệu wifi.
8. IC xử lý tín hiệu âm thanh và Audio Amply trên Laptop
IC Sound thường giao tiếp trực tiếp với Chipset Nam và đầu ra cung cấp tín hiệu cho IC khuếch đại công suất Audio Amply. IC Audio Amply có nhiệm vụ khuếch đại tín hiệu âm thanh lên biên độ đủ mạnh rồi đưa ra loa.
9. ROM trên Laptop
ROM trên mainboard Laptop thường có 2 dạng:
– Một dạng có 2 IC ROM, gồm 1 main ROM và 1 backup ROM, mỗi IC ROM có 8 chân.
– Một dạng chỉ có 1 IC ROM lớn hình chữ nhật, thường có 40 chân.
10. IC SIO trên Laptop
IC SIO trên Laptop thường được tích hợp trong 1 IC. IC này không chỉ có nhiệm vụ điều khiển nguồn mà còn tham gia quản lý chuột, bàn phím và touchpad.
11. IC dao động nguồn trên Laptop
Là những IC có chức năng tạo nguồn điện áp thấp cung cấp cho các linh kiện. IC dao động nguồn thường gặp là nguồn RAM, nguồn CPU, nguồn Chipset.
12. IC Clockgen trên Laptop
Là linh kiện quan trọng trong mạch Clockgen. Mạch Clockgen tạo xung clock cho các IC xử lý tín hiệu số trên mainboard hoạt động.
Kế bên IC clockgen thường có khối thạch anh.
13. Mosfet trên Laptop
Dùng để điều khiển việc đóng ngắt dòng điện chạy qua trong mạch nguồn. Mosfet trên Laptop có 2 loại: P-Channel (mosfet thuận) – ít sử dụng, N-Channel (mosfet ngược) – sử dụng phổ biến. Mosfet trên mainboard Laptop có thể có 3 chân hoặc 8 chân.
14. Cuộn dây trên Laptop
Có chức năng sinh ra từ trường khi dòng điện chạy qua. Cuộn dây được sử dụng trong các mạch lọc, giúp ổn định dòng điện.
15. Tụ điện trên Laptop
Tụ điện có chức năng tích trữ điện năng, có khả năng nạp và xả điện áp. Trên mainboard Laptop, có 2 loại tụ điện là tụ hóa (phân cực – và +) và tụ gốm (không phân cực).
16. Điện trở trên Laptop
Có chức năng hạn chế cường độ dòng điện đi qua trong mạch, điều chỉnh mức độ tín hiệu, chia điện áp, kích hoạt các linh kiện điện tử chủ động như transistor. Điện trở dán SMD (Surface Mount Device) thường được sử dụng trên mainboard Laptop.
Các bạn có thể xem thêm các bài Nhận biết các linh kiện trên mainboard Laptop-Phần 1 và Nhận biết các linh kiện trên mainboard Laptop-Phần 2 để thực hành nhận biết các linh kiện trên mainboard Laptop.